Vì sao mua bán và thanh toán trực tuyến sẽ trở thành xu hướng của tương lai?

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện nay thì thói quen chi tiêu và mua sắm, thanh toán của người tiêu dùng Việt cũng đã có những thay đổi rõ ràng. Trong đó, mua sắm và thanh toán trực tuyến đang dần trở nên phổ biến và được người tiêu dùng đón nhận. Các ngân hàng đang nỗ lực đưa ra những chính sách, dịch vụ mang tính đột phá trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như những chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Thực tế, thói quen sử dụng tiền mặt đã trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều người thường ngại tiếp cận với những loại hình thanh toán mới mẻ nhất là những người lớn tuổi. Bên cạnh đó thì quan niệm tiền mặt và tiền ở trong túi mới yên tâm và an toàn nhất cũng là tâm lý của nhiều người. Tuy nhiên, khoa học và kỹ thuật phát triển thì thói quen dùng tiền mặt này đã không còn phù hợp nữa. Những hình thức mua bán và thanh toán trực tuyến với nhiều ưu điểm và giá trị vượt trội sẽ làm nền kinh tế và văn hóa tiêu dùng đất nước phát triển mạnh mẽ và theo kịp thời đại hơn.

Hiện nay, giới trẻ và phần đông người tiêu dùng ở nước ta cũng đã bắt đầu sử dụng và đón nhận các hình thức mua bán và thanh toán trực tuyến. Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích người dân sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán thay vì dùng tiền mặt. Các ngân hàng cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện các dịch vụ thanh toán online.

Thanh toán điện tử sở dĩ được khuyến khích bởi những hoạt động thanh toán, giao dịch này sẽ được ghi lại trên hệ thống điện tử và từ đó nhà chức trách có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát, cũng như bảo vệ cho người dùng khi cần thiết. Người dân cũng sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, giữ tiền mà có thể thanh toán ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet. Do vậy, giao dịch, thanh toán sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển.

Với những tiện ích và giá trị vô cùng lớn mà thanh toán online mang lại, Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển phổ biến hình thức này khi đề ra mục tiêu là: đến năm cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán sẽ ở mức thấp hơn 10%. Với mục tiêu đó, hàng loạt các giải pháp được đặt ra như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt tại các văn bản và luật hiện hành; ban hành các văn bản pháp lý để quản lý, vận hành, hạn chế rủi ro, đồng thời giám sát đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán mới…

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trong nước đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), đồng thời đã phát triển hệ thống thanh toán tích hợp đa kênh trên nền tảng điện tử như: Chuyển khoản, thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, internet, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm… Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet và 39 tổ chức cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Không dừng ở đó, một số ngân hàng còn đang không ngừng nâng cấp và mở rộng các tiện ích kèm theo hàng loạt chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng trải nghiệm các dịch vụ thanh toán điện tử.

Có thể nói, sự nhập cuộc vô cùng mạnh mẽ của chính phủ và các hệ thống ngân hàng, sự phát triển không ngừng của công nghệ thì tương lai các giao dịch, thanh toán trực tuyến sẽ gần như hoàn toàn thay thế phương thức sử dụng tiền mặt hiện nay.